Khi các “ông lớn” phải bán tháo tài sản
Không ít DN lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán, gán tài sản với giá trị thấp, thậm chí bán luôn cả DN kể từ sau đại dịch Covid-19.
Gán nợ từ bất động sản đến đồ gia dụng
Đại gia Đường “bia” rao bán khách sạn dát vàng giữa trung tâm Hà Nội với mức chào giá cạnh tranh 250 triệu USD.
Nhớ lại những ngày tháng bị hàng trăm phụ huynh “vây” đến nửa đêm để đòi tiền học phí, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch HĐQT Egroup (shark Thủy) trăn trở giải pháp cứu thương hiệu của mình khi sắp bị nhấn chìm bởi “bão Covid-19”.
“Thực sự chúng tôi không lường được Covid-19 lại càn quét khủng khiếp trong một thời gian dài như vậy khi tất cả các trung tâm, các cơ sở mầm non của Egroup đều phải đóng cửa đến gần 3 năm”, ông Nguyễn Ngọc Thủy bắt đầu câu chuyện với PV Báo Giao thông.
Egroup là chủ sở hữu nhiều hệ thống giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm gồm chuỗi trung tâm tiếng Anh Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia.
Trong đó, điển hình nhất là thương hiệu tiếng Anh Apax English/Apax Leaders. Apax đã nhanh chóng trở thành thương hiệu đào tạo tiếng Anh lớn nhất cả nước với hơn 120 trung tâm tại 30 tỉnh, thành và có gần 70.000 học viên vào năm 2019.
Ông kể, giữa năm 2019, Egroup bắt đầu triển khai kế hoạch cơ cấu lại tài chính với mục đích giảm chi phí vay. Thay vì dựa vào vốn vay, doanh nghiệp chuyển sang cấu trúc tài chính gọi vốn.
Khi đó, dự kiến năm 2020, sẽ làm việc với các quỹ đầu tư và gọi vốn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến kế hoạch đó bị thay đổi.
Trong khi, các trung tâm tiếng Anh Apax English được mở ra nhiều nhất là vào giữa năm 2019. Thời gian hoạt động rất ngắn trước khi dịch bùng nổ khiến doanh nghiệp tổn thất rất lớn.
Giai đoạn ngay trước dịch bệnh, mỗi tháng chi phí hoạt động của hệ thống Apax khoảng hơn 100 tỷ đồng. Trong gần 3 năm dịch bệnh, khi hệ thống đã mở rộng thêm, chi phí vận hành của Apax đội lên hơn 2.000 tỷ đồng.
Vì vậy, các khoản tiền tập đoàn tích lũy, dành dụm bao lâu nay đã phải sử dụng trong giai đoạn gần 3 năm đóng cửa học offline của các trung tâm.
Chưa kể đến việc Egroup còn phải gánh chi phí lãi vay, chi phí tài chính. “Chúng tôi luôn có dự phòng rủi ro. Nhưng Covid-19 là điều không lường trước được”, ông Thủy giãi bày.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của đơn vị này cho thấy, lỗ sau thuế 111 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi sau thuế 118 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Apax Holdings đạt 4.596 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty là 3.076 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nguồn vốn…
Không chỉ giải quyết nợ cho khách hàng mà Egroup còn phải giải quyết nợ cùng lúc cho các nhà đầu tư.
Hiện tại, Apax đang trong quá trình tái cấu trúc với việc vận hành ổn định 33 trung tâm và dần mở cửa nhiều trung tâm khác.
Mục tiêu đến hết tháng 6/2024 sẽ có khoảng 65 trung tâm Apax quay trở lại. Sau 2 năm sẽ có 100 trung tâm hoạt động ổn định và phát triển. Doanh thu về dòng tiền đến năm 2025 đạt 1.500 tỷ đồng mỗi năm.
Về nghĩa vụ với nhà đầu tư, theo Shark Thủy, hiện Egroup đã đưa ra 4 phương án cấn trừ nợ gồm: Bất động sản, gói đầu tư tái cấu trúc các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng.
Ông Thủy cho biết, một số nhà đầu tư tham gia giải pháp gạt nợ bằng bất động sản, song ông mong muốn được các nhà đầu tư chia sẻ, bằng việc giảm và dừng nhận lãi trong vòng 3 - 5 năm tới.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên chi trả cho những nhà đầu tư có hoàn cảnh khó khăn trước”, ông Thủy nói và cho biết, mục tiêu là tìm kiếm các quỹ đầu tư lớn, đưa Apax Leaders lên sàn chứng khoán trong tương lai.
Làn sóng bán tháo vào tay khối ngoại
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, làn sóng bán tháo tài sản đang diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay, nhưng phần lớn vẫn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.
Thực tế, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong năm 2022 (tăng 42,4% so với năm 2021) và trong 5 tháng đầu năm 2023 (tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2022).
Thực tế, Chính phủ lo ngại doanh nghiệp rút khỏi thị trường có thể diễn biến phức tạp, trong đó phần lớn các tài sản có giá trị được thâu tóm gần đây là rơi vào tay khối ngoại.
Trong năm 2022, Tập đoàn Gamuda Land đến từ Malaysia đã thành công mua lại dự án Artisan Park tại Bình Dương từ Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC). Thương vụ này có giá trị lên đến 54 triệu USD và cũng được xếp vào top 10 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2022.
Hồi tháng 3, chủ khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake ngay giữa trung tâm Hà Nội công bố sẽ bán khách sạn với giá khởi điểm 250 triệu USD (khoảng 5.900 tỷ đồng).
Nhiều đối tác đang đàm phán mua khách sạn là những doanh nhân tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)…
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình, chủ khách sạn cho biết, nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp chưa được cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn về dòng tiền…
Không chỉ vậy, ngành thực phẩm cũng đang báo động. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, hiện đang có tình trạng doanh nghiệp vừa và lớn đã có thương hiệu nhưng quá khó khăn về tài chính, có nguy cơ bị thâu tóm bởi các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.
Bơm tiền để cứu doanh nghiệp?
Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cần bơm tiền ra để cứu doanh nghiệp. Bởi thực tế, nền kinh tế đang khát vốn trầm trọng, trong khi lượng tiền lại đang nằm tại ngân hàng. Đây là sự lãng phí vì đồng tiền không được quay vòng.
Ông Hòe phân tích: “4 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đạt 645.400 tỷ đồng, trong khi chi 500.300 tỷ đồng, như vậy còn kết dư 145.100 tỷ đồng, cộng với hàng trăm nghìn tỷ đồng năm 2022 và các năm trước chuyển sang do chưa chi hết. Chưa kể, Kho bạc Nhà nước phát hành 139.683 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ”.
Trong khi, dù đã 2 lần hạ lãi suất huy động và các ngân hàng thương mại đang trong xu hướng giảm lãi suất, nhưng lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn cao, khiến khả năng cạnh tranh giảm, lợi nhuận thấp.
“Với mặt bằng lãi suất như hiện nay, nếu có tiền thì gửi ngân hàng hưởng lãi “cho nhẹ đầu” và không ai muốn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Vì lãi suất vay vốn ngân hàng còn cao hơn lợi nhuận có được từ việc kinh doanh, trừ kinh doanh những lĩnh vực có lợi nhuận cao, nhưng đầy rủi ro như bất động sản”, ông nói.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế cho rằng, đa số tài sản của doanh nghiệp đều bị thế chấp để vay ngân hàng, trong khi lãi vay ngân hàng đang quá cao.
“Vì thế, ngân hàng nên tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, tồn tại, ngăn việc “bán mình”. Mức lãi suất cho vay nên giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng”, ông Lạng đề xuất.
Theo Báo Giao Thông